Theo cơ chế tự bảo vệ của hệ thống hô hấp, bạn có thể ho khi bị dị ứng, cảm cúm, khó thở… Bạn có biết cách phân biệt các loại ho để phát hiện sớm nguyên nhân và điều trị hiệu quả?
Khi vật thể lạ kích thích cổ họng hoặc đường thở, hệ thống thần kinh sẽ truyền tín hiệu cảnh báo đến não. Não của bạn phản ứng bằng cách kích thích các cơ ở ngực và bụng co lại và đẩy luồng không khí. Dấu hiệu ho là một phản xạ phòng thủ quan trọng giúp bảo vệ cơ thể bạn khỏi các chất kích thích như chất nhầy, khói và các chất gây dị ứng như bụi, nấm mốc, phấn hoa… Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các loại ho thường gặp và cách chữa trị nhé!
1. Ho có đờm
Ho có đờm là một trong các loại ho thường do cảm lạnh hoặc cúm. Ho có đờm có thể xuất hiện từ từ hoặc nhanh chóng và thường đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Sổ mũi
- Mệt mỏi
- Chảy dịch mũi sau
Tình trạng ho có đờm xảy ra do cơ thể bạn đang đẩy chất nhầy ra khỏi hệ hô hấp, bao gồm cổ họng, mũi, đường thở và phổi. Nếu bạn bị ho có đờm, bạn có thể cảm giác như có gì đó bị mắc kẹt, chảy dịch ở phía sau cổ họng, trong ngực hoặc đưa dịch nhầy ra từ miệng. Các loại ho có đờm ở trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ dưới 3 tuần tuổi hầu như do cảm lạnh hoặc cúm.
Các yếu tố có thể gây ra ho có đờm bao gồm:
- Viêm phổi
- Hen suyễn
- Viêm phế quản cấp
- Cảm lạnh hay cảm cúm
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính
Các loại ho có đờm cấp tính có thể kéo dài dưới 3 tuần, mãn tính kéo dài hơn 8 tuần ở người lớn hoặc 4 tuần ở trẻ em.
Cách xử lý khi gặp tình trạng ho có đờm:
- Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi: Bạn có thể làm sạch đường mũi cho bé bằng nước muối. Bạn không được tự ý dùng thuốc ho hoặc thuốc cảm lạnh không kê đơn (OTC) cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
- Trẻ từ 3 – 10 tuổi: Bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm vào ban đêm để làm ẩm không khí, nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn sử dụng thuốc ho OTC và thuốc cảm lạnh.
- Người lớn: Người lớn có thể điều trị ho có đờm cấp tính bằng thuốc ho OTC và thuốc giảm triệu chứng cảm lạnh hoặc mật ong. Nếu ho kéo dài hơn 3 tuần, bạn có thể phải sử dụng kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị khác.
2. Ho khan
Ho khan là một trong các loại ho không có chất nhầy, thường khó kiểm soát và có thể xuất hiện ở những cơn ho kéo dài. Ho khan thường do nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm. Ở cả trẻ em và người lớn, tình trạng ho khan kéo dài trong vài tuần sau khi hết cơn cảm lạnh hoặc cúm. Các nguyên nhân gây ho khan khác có thể bao gồm:
- Dị ứng
- Hen suyễn
- Viêm họng
- Viêm xoang
- Viêm amidan
- Viêm thanh quản
- Viêm thanh khí phế quản
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Các loại thuốc, đặc biệt là thuốc ức chế men chuyển
- Tiếp xúc với các chất kích thích như ô nhiễm không khí, bụi hoặc khói
Cách xử lý khi bạn gặp tình trạng ho khan:
- Trẻ em: Bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm giúp giữ cho hệ hô hấp của trẻ không bị khô. Bác sĩ sau khi thăm khám có thể cho trẻ sử dụng thuốc ho để làm dịu cơn đau họng. Nếu tình trạng tiếp tục trong hơn 3 tuần, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ về các nguyên nhân khác để được kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin hoặc thuốc hen.
- Người lớn: Bạn hãy cho bác sĩ biết nếu có các triệu chứng đi kèm như đau và ợ nóng. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc antacid, thuốc hen suyễn hoặc xét nghiệm thêm. Bên cạnh đó, bạn nên cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc và chất bổ sung mà bạn hiện đang dùng.
3. Ho gà
Ho gà là ho từng chuỗi cơn dữ dội, không kiểm soát được, thường mang cảm giác mệt mỏi và đau đớn. Ho gà là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra cơn ho dữ dội. Trong một cơn ho gà, phổi giải phóng tất cả oxy mà cơ thể có, khiến người bệnh hít vào dữ dội như tiếng gà gáy. Sau cơn ho, người bệnh thường có biểu hiện mặt đỏ, môi tím, mắt sưng…
Trẻ em nhỏ tuổi có nguy cơ mắc bệnh ho gà cao hơn và phải đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng. Đối với những bé từ 2 tháng tuổi trở lên, cách tốt nhất để tránh mắc bệnh ho gà là tiêm vắc-xin. Các nguyên nhân khác của cơn ho nặng có thể bao gồm:
- COPD
- Bệnh lao
- Nghẹt thở
- Viêm phổi
- Hen suyễn
Bất cứ ai ở mọi lứa tuổi đều cần điều trị ho gà bằng kháng sinh. Bệnh ho gà là một trong các loại ho rất dễ lây lan, vì thế những người có tiếp xúc với bệnh cần được khám và kiểm tra để điều trị kịp thời.
4. Ho do viêm thanh khí phế quản
Viêm thanh khí phế quản là một bệnh nhiễm virus thường ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em từ 5 tuổi trở xuống. Viêm thanh khí phế quản làm cho đường hô hấp trên bị kích thích và sưng lên. Trẻ nhỏ có đường thở hẹp, khi sưng khiến đường thở trở nên hẹp hơn, gây khó thở.
Ho do viêm thanh khí phế quản thường có thể tự lành mà không cần điều trị. Các biện pháp khắc phục tại nhà bao gồm:
– Đưa trẻ ra ngoài hít thở không khí mát mẻ.
– Đảm bảo uống nhiều nước và được nghỉ ngơi nhiều.
– Đặt một máy làm ẩm phun sương mát trong phòng ngủ.
– Đưa trẻ vào phòng tắm đầy hơi nước trong tối đa 10 phút.
– Cho trẻ nhỏ dùng thuốc acetaminophen khi bị sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ.
– Điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ đối với những trường hợp nghiêm trọng.
Các loại ho thường không đòi hỏi phải đi khám bác sĩ, mức độ bệnh phụ thuộc vào loại ho và thời gian kéo dài, cũng như độ tuổi và sức khỏe. Người mắc các bệnh khác về phổi như hen suyễn và COPD cần điều trị sớm và thường xuyên hơn.
Các loại ho phổ biến thông thường đều có thể điều trị được. Điều quan trọng là bạn cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời và tránh các nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra để bảo vệ sức khỏe của chính bạn!