Vía thần tài có quan trọng không? Hầu hết sách, tài liệu nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thần Tài của người Việt xưa không đề cập đến tục mua vàng cầu may. Quan niệm này được cho bắt nguồn từ giới kinh doanh.
Theo tín niệm của dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày Thần Tài, vị thần biểu trưng cho tiền bạc, may mắn và sự giàu có.
Tại Việt Nam, dù xuất hiện khá muộn và còn phụ thuộc vào Thần Đất, tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài ngày càng phổ biến với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng thương nhân.
Theo thời gian, tập tục trong ngày mùng 10 tháng Giêng có nhiều thay đổi. Ngày nay, nhiều người đổ xô đi mua vàng trong ngày vía Thần Tài với mong ước một năm thịnh vượng, sung túc. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quan niệm này không hoàn toàn chính xác theo tập tục thờ cúng của người Việt xưa.
Vía thần tài có quan trọng không
Trong cuốn Thần Đất – Ông Địa & Thần Tài, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chỉ ra mối liên hệ giữa Thần Đất và Thần Tài trong tập tục thờ cúng của người Việt.
Theo đó, ngày mùng 10 tháng Giêng vốn không phải ngày vía Thần Tài mà là ngày vía đất, đúng như quan niệm “mùng 9 vía trời mùng 10 vía đất”. Vì Thần Tài và Thần Đất có nhiều nhân duyên với nhau, được thờ chung một khám thờ, không tách rời nhau, nên người ta đã lấy ngày này làm vía Thần Tài.
Tín ngưỡng thờ Thần Đất, Thổ Địa ở nước ta có từ lâu và việc thờ tự vị thần này dựa vào hai tín lý cơ bản: Một là vị phúc thần bảo vệ cộng đồng dân cư; hai là vị thần ban sung túc, thịnh vượng.
Còn việc thờ tự Thần Tài rất khó xác định có từ bao giờ, nhất là khi Thần Tài được hội nhập vào hệ thống thần bản gia – tức các thần linh bảo hộ cho gia đình (trong các vị thần bản gia có Táo Quân, Thổ thần, Ngũ tự và Thần Tài).
Cuối thế kỷ XIX, sự phân biệt giữa Thần Đất và Thần Tài vẫn còn chưa rõ rệt.
Sách Thần Đất – Ông Địa & Thần Tài do NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM phát hành đầu năm 2021.
Còn trong cuốn Đại Nam quấc âm tự vị (xuất bản năm 1895), tác giả Huỳnh Tịnh Của giải thích Thổ thần và Tài thần đều là “Thần Đất, thần giữ tiền bạc”.
Sự nhập nhằng này xuất phát từ thời kỳ “dĩ nông vi bản” – coi nông nghiệp là sản xuất chính yếu và thương nghiệp là thứ yếu, nên đất đại diện cho sự phát đạt, giàu có.
Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ XX, khi kinh tế hàng hóa phát triển, thương nghiệp ngày càng có vị thế, tiền, vàng bạc bắt đầu thay thế đất đai, ruộng vườn để trở thành dấu hiệu của sự giàu có.
Từ đây, Thần Tài trở thành đại diện mới chuyên trách cho việc phát tài, được thờ tự đàng hoàng và dần dà trở thành một gia thần phổ biến với các gia đình.
Mua vàng cầu may
Ngày nay, tập tục thờ cúng ngày vía Thần Tài có nhiều thay đổi, một trong số đó là quan niệm mua vàng để cầu phát lộc.
Hầu hết sách, tài liệu nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thần Tài của người Việt xưa không đề cập đến tục mua vàng này.
Tục lệ này được cho mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ban đầu, nó chỉ lan truyền trong một bộ phận nhỏ thương nhân, giới kinh doanh, nhưng hiện trở nên phổ biến với người dân ở nhiều đô thị lớn.
“Thường thấy người kinh doanh hay mua vàng trong ngày này, niềm tin mua vàng hy vọng về một năm sẽ làm ăn phát đạt. Niềm tin này cần được đặt ở chánh tín, đặt vào ngày mai tươi sáng hơn.
Cuộc sống vốn luôn tồn tại niềm tin và hy vọng vào ngày mai tươi sáng hơn. Dĩ nhiên, ước muốn cần luôn đi kèm với phấn đấu làm việc không ngừng”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết.
Người dân ở các tỉnh phía nam thường cúng heo quay, cá lóc trong ngày vía Thần Tài.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc thờ cúng Thần Tài diễn ra tự do theo quan niệm dân gian.
Sáng mở cửa hàng, người dân thắp nhang, cúng Thổ Địa – Thần Tài ly cà phê, điếu thuốc, bánh bao hoặc gói xôi.
Rằm, mùng một cúng chè, chuối, trái cây theo lệ sóc vọng hay tuần tiết, lễ trọng hơn cúng “tam sênh” (tam sanh/sinh) hoặc thịt heo quay. Sau khi đạt được một kết quả tài chính nào đó nên biện lễ tạ thần.
Tại nhiều tỉnh thành phía nam, người dân còn cúng cá lóc nướng trong ngày vía Thần Tài với hy vọng mang đến nhiều may mắn, tài lộc.
Ngoài một số lễ trọng cúng Thổ Địa và Thần Tài, theo tập tục truyền thống còn có văn cúng nghiêm túc.
Nơi thờ tự thường là cái khám đặt sát mặt đất, bên cạnh bàn thờ tổ tiên, ở vị trí quan trọng nhất là phía gốc cây đòn dông, tức phía trái (tính từ hướng trong nhà nhìn ra cửa), vì các thần ấy là thần đất, thần long mạch.