Trong những ngày này ở vùng đất đầu sóng ngọn gió Đồ Sơn không khí như đang trùng xuống bởi sự cố trong lễ hội chọi trâu đáng tiếc vừa xảy ra. Với niềm đam mê huấn luyện trâu chọi, luôn khát khao giành chiến thắng trong mỗi mùa lễ hội, đến khi tai nạn đáng tiếc xảy ra người dân địa phương ai nấy đều tỏ lòng tiếc thương ông Đinh Xuân Hướng. Dưới đây là sự cố trong lễ hội chọi trâu.
Sự cố trong lễ hội chọi trâu
Đến sáng 3-7, khi tiễn đưa người chủ trâu xấu số về nơi an nghỉ cuối cùng ngoài sự quan tâm của chính quyền còn có rất đông bà con từ khắp nơi trong vùng, kể cả những người không quen biết cũng tìm đến. Thế nhưng cùng với nỗi đau thương mất mát ấy, người dân Đồ Sơn còn phải chịu đựng thêm những dị nghị, điều ra tiếng vào, cho rằng trong lễ hội xuất hiện những trò biến tướng…
Đến nay sau khi lấy mẫu xét nghiệm đã có kết quả, cơ quan chức cho biết không phát hiện chất kích thích trong máu của con trâu số 18 – trâu đã húc chết anh Đinh Xuân Hướng. Đây là thông tin vô cùng quý giá loại bỏ những nghi ngờ của dư luận từ lâu nay về việc các ông chủ có cho trâu của mình sử dụng chất kích thích mỗi khi xung trận hay không. Điều này cũng chứng minh rằng Lễ hội chọi trâu đang phát huy được truyền thống tốt đẹp, vốn có.
Trở lại sự cố hy hữu trên sới chọi trâu, ngay từ khi dắt vào sới, trâu số 18 cũng đã có nhiều biểu hiện bất thường, tỏ ra không ưa màu sắc sặc sỡ. Vì vậy chính chủ trâu là ông Hướng và người quản trâu cũng đã không mặc bộ trang phục do BTC quy định để tránh gây kích thích với trâu.
Trước đó theo nghi lễ truyền thống, tất cả 32 chủ trâu có trâu chọi được tham gia Lễ hội chọi trâu năm 2017 phải đem trâu ra đình làm lễ tế. Thế nhưng trâu số 18 lại có biểu hiện bất tuân, không thực hiện thủ tục tế đình như thường lệ. Với những biểu hiện của trâu 18, nhiều người nhận định con trâu này chưa được tập luyện kỹ càng để xung trận.
Theo kinh nghiệm các chủ trâu chia sẻ, trước khi đưa vào đấu loại khoảng 1 tháng, trâu chọi thường được tập luyện để thích nghi và làm quen dần với môi trường thi đấu, như nghe các hiệu lệnh trống, làm quen với màu sắc, âm thanh chỗ đông người. Điều đó cho thấy việc trao đổi giữa các chủ trâu và BTC giải chưa kịp thời.
“Nếu nhận được thông tin biểu hiện bất thường từ chủ trâu thông báo, BTC sẽ thực hiện biện pháp không cho thi đấu để trâu khác thay thế” – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Trung Hiếu nói.
Từ sự cố hy hữu đến công tác tổ chức lễ hội, nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại tính bạo lực và những trò biến tướng của lễ hội và đề nghị loại bỏ lễ hội này. Song, ngược với luồng ý kiến dừng và dẹp lễ hội chọi trâu, hầu hết người dân địa phương đều nêu quan điểm bảo vệ lễ hội này. Bởi lẽ với người dân Đồ Sơn “ông trâu” là đại diện cho sức mạnh, tiềm lực và danh dự của cả gia đình, cả dòng họ, có khi là cả hàng giáp nữa. Trong tâm tưởng của người dân địa phương, nếu làng nào có người thắng tức là làng đó sẽ được mùa màng tốt tươi, thuyền về tôm cá đầy khoang…
Ông Hoàng Đình Phong, ở phường Ngọc Xuyên lo lắng cho rằng Lễ hội này có từ hàng trăm năm nay, chưa từng xảy ra sự cố húc chết người như vừa qua. Điều đó cho thấy lễ hội này không phải tiềm ẩn nguy hiểm. Nếu cứ sợ lễ hội gây nguy hiểm, gây cảm giác sợ hãi mà bắt dừng, bắt cấm thì hỏi văn hóa truyền thống còn lại gì.
Tâm tư của người trong cuộc
Còn nghệ nhân huấn luyện trâu chọi Đinh Đình Phú, 82 tuổi, ở phường Ngọc Xuyên, người từng hai lần có trâu vô địch thì bày tỏ, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không phải gần đây mới có mà nó đã ăn sâu vào tâm thức người dân Đồ Sơn nói riêng và cả nước nói chung qua những câu hò, vè dân gian nói về lễ hội. Việc nhiều người cho rằng lễ hội chọi trâu là bạo lực, phản cảm thì đó chỉ là áp đặt cá nhân lên văn hóa tập tục của một vùng miền đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, ông Phú cũng trăn trở về cách tổ chức Lễ hội những năm gần đây.
“Trước kia khi mới khôi phục lễ hội thì chúng tôi còn cho tiền mỗi chủ trâu để họ tổ chức làm lễ. Đến nay khi có nhiều người tham gia thì ban tổ chức lại yêu cầu mỗi chủ trâu tham gia đóng góp với số tiền hàng chục triệu đồng” – ông Phú nói.
Trước nhiều ý kiến cho rằng cần phải sớm loại bỏ Lễ hội chọi trâu bởi tính bạo lực, ông Phú khẳng định Lễ hội chọi trâu của người dân Đồ Sơn không đơn thuần lại được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Vậy nên đừng có muốn làm thì làm, muốn bỏ là bỏ.
“Bản chất của lễ hội này là ca ngợi tinh thần thượng võ, sự can trường, sẵn sàng đối đầu với mọi hiểm nguy của người dân miền biển. Và việc thuần phục một con trâu từ hung dữ trở nên biết nghe lời đòi cũng hỏi cả một nghệ thuật của người huấn luyện” – Nghệ nhân Đinh Đình Phú nhận xét.
Ông Hoàng Công Toàn, ở phường Ngọc Xuyên, quận Đồ Sơn cũng bày tỏ quan điểm rằng không nên cấm lễ hội truyền thống này. Có chăng những nhà quản lý nên rà soát lại công tác tổ chức để đưa ra những hướng quản lý cho tốt như hạ tầng đấu trường kiên cố, công tác bảo vệ, kiểm tra nghiêm ngặt khả năng thi đấu của trâu trước khi cho vào sới… Không chỉ người dân địa phương, nhiều du khách cũng có đồng quan điểm trên, họ cho biết năm nào họ cũng cất công lặn lội từ xa xôi đến để tham dự lễ hội, thưởng thức những trận đấu đầy kịch tính.
Sau vụ việc trâu húc chết người tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết sẽ tổ chức tham vấn các chuyên gia và cộng đồng để quyết định tổ chức Lễ hội chọi trâu hay không. Bà Thủy nhấn mạnh sẽ tuyên truyền, vận động người dân để lễ hội được tổ chức một cách hợp lý và đúng văn hóa.
Có thể sẽ vận động người dân thu hẹp quy mô lễ hội, thay đổi hình thức, đẩy mạnh giá trị tín ngưỡng tâm linh và văn hóa lên. Lễ hội chọi trâu có hai phần là phần lễ và phần hội, trong đó phần hội chọi trâu chỉ là hoạt động phụ chứ không phải chính. Những nỗ lực sẽ cố gắng để hạn chế sự cố trong lễ hội chọi trâu.