Lễ dạm ngõ là một phong tục không thể thiếu trong quá trình tiến đến hôn nhân của các cặp đôi Việt. Vào ngày này, người ta thường sẽ tránh phạm phải những điều kiêng kỵ trong ngày dạm ngõ để buổi lễ diễn ra một cách tốt đẹp và trọn vẹn. Để tìm những điều kiêng kỵ trong lễ dạm ngõ, mời bạn cùng tham khảo qua bài viết được chia sẻ dưới đây!
Đôi nét về lễ dạm ngõ
Lễ dạm ngõ còn được gọi là lễ xem mặt, đây là một nghi lễ trong phong tục cưới hỏi của người Việt bao đời nay. Nói một cách đơn giản thì đây là buổi lễ được tổ chức để chính thức hóa quan hệ hôn nhân giữa hai gia đình đằng gái và đằng trai.
Trong buổi dạm ngõ, nhà trai sẽ xin đến nhà gái để đặt vấn đề chính thức cho cặp đôi trẻ được tìm hiểu nhau trước khi tiến đến hôn nhân chính thức. Buổi lễ này sẽ không cần đến người mối cùng những lễ vật cao sang, mà nó chỉ là một văn hóa ứng xử của người Việt. Thông qua đó, hai gia đình sẽ biết cụ thể về nhau để có thể quyết định có tiếp tục mối quan hệ hôn nhân hay không.
Lý do cần có buổi lễ dạm ngõ chính là vì người xưa cho rằng, bỏ qua lễ này và tiến thẳng đến lễ ăn hỏi sẽ khiến mọi người cảm thấy quá đường đột và không được trịnh trọng, cũng không có một khởi đầu. Vì thế, buổi lễ này dẫu không đóng vai trò quá quan trọng, nhưng nó lại không thể thiếu nếu như cả hai gia đình muốn thực hiện tiến trình hôn lễ.
Ngoài ra, tổ chức buổi lễ này cũng không hề tốn kém khi lễ vật chỉ bao gồm trầu cau, mà nó lại là một phần tốt đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc, nên không thể bỏ qua lễ này.
Những điều kiêng kỵ trong lễ dạm ngõ
Vào những dịp quan trọng như lễ dạm ngõ, người ta sẽ thường tránh phạm phải những điều kiêng kỵ trong lễ dạm ngõ, vì nó sẽ ảnh hưởng đến hôn nhân cả đời của cả đôi uyên ương.
Dưới đây là một số điều kiêng kỵ trong ngày dạm ngõ mà bạn có thể tham khảo:
Điều kiêng kỵ 1: Tránh đi dạm ngõ khi nhà có tang
Mặc dù là không phải là một buổi lễ quan trọng như đám cưới, đám hỏi, nhưng chúng ta cũng cần phải tránh đi hay tổ chức dạm ngõ nếu một trong hai bên gia đình có tang. Bởi vì người xưa quan niệm rằng, có tang là điều không vui, nó biểu hiện cho điều không may mắn và làm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hôn nhân sau này của cô dâu chú rể.
“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, nhưng nếu tang gia của bà con họ hàng xa thì hai bên gia đình vẫn có thể tiến hành buổi dạm ngõ như bình thường.
Điều kiêng kỵ 2: Kiêng đi vào ngày giờ xấu
Nhiều gia đình coi trọng lễ nghi thường sẽ xem ngày giờ cho cả ngày dạm ngõ, nhưng một số lại cho rằng đây chỉ là buổi gặp mặt, nên họ sẽ không coi trọng thời điểm cho lắm. Tuy nhiên, ít nhất bạn cũng nên tránh chọn những ngày xấu sẽ không tốt cho cô dâu và chú rể.
Điều kiêng kỵ 3: Kiêng đổ vỡ đồ vật
Những sự đổ vỡ đều không tốt cho ngày dạm ngõ. Bởi vì ông bà ta quan niệm rằng đổ vỡ tượng trưng cho sự phân ly, rạn nứt và đổ vỡ. Điều này được xem là vô cùng xấu và không nên. Đặc biệt, chớ làm vỡ gương và gãy đũa trong ngày dạm ngõ để không đem lại điềm xui cho cuộc hôn nhân đó.
Ý nghĩa của lễ dạm ngõ
Như đã nói trên, lễ dạm ngõ được xem là bước chuẩn bị cho đám hỏi, bởi vì trong buổi lễ này, cả hai gia đình sẽ gặp mặt nhau để thăm hỏi và xin cho đàng trai được qua lại với đàng gái, từ đó làm tiền đề cho hôn nhân của cả hai.
Cũng chính vì thế mà buổi lễ dạm ngõ còn được xem là dịp để hai bên có thể bàn tính các thủ tục đám cưới cho đôi uyên ương trẻ. Những chủ đề được nói đến sẽ xoay quanh việc: thời gian tổ chức hôn lễ, số tráp, cách thức tổ chức hay những vấn đề về chỗ ở của đôi trẻ sau này…
Ngoài ra, lễ dạm ngõ còn được xem là một nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc Việt ta bao đời nay. Đó là những tập tục về cách ứng xử, về tiến trình hôn nhân và về văn hóa trầu cau mà chúng ta cần phải gìn giữ.
Lễ vật trong buổi lễ dạm ngõ
Mỗi vùng miền sẽ có những quy định về lễ vật riêng. Nhưng nhìn chung, lễ vật trong buổi này thường khá đơn giản và không yêu cầu sự cầu kỳ, sa hoa.
Ở miền Bắc
Buổi lễ dạm ngõ miền Bắc sẽ có những lễ vật sau:
- Trầu cau
- Trái cây tươi
- Rượu
- Trà
Tất cả sẽ được bọc trong giấy gói đỏ và phủ một lớp vải nhiễu đỏ bên ngoài. Về số lượng, người ta cũng thường bố trí tất cả theo số chẵn như tượng trưng cho việc “có đôi có cặp”.
Ở miền Trung
Ở miền Trung thì lễ vật sẽ có phần đơn giản hơn – như chính cách sống của những con người mộc mạc, giản dị tại đây. Lễ vật sẽ chỉ bao gồm khay trầu và chai rượu gói trong giấy đỏ. Nhiều nhà còn chuẩn bị một vài loại bánh đặc sản để làm quà cho gia đình nhà gái.
Ở miền Nam
Miền Nam thường gọi lễ dạm ngõ là đám nói. Lễ vật của họ sẽ đặc biệt hơn rất nhiều, đó là đĩa trầu cau được tiêm cánh phượng, một cặp rượu, cặp trà và mâm ngũ quả.
Thành phần tham dự lễ dạm ngõ
Lễ dạm ngõ thường chỉ có từ 5 – 7 người bên nhà trai, với các thành viên thân thiết là: bố mẹ, chú rể, người lớn trong họ.
Tùy theo số lượng nhà trai, nhà gái cũng sẽ sắp xếp số người vừa đủ hoặc nhiều hơn. Ngoài ra, phía cô dâu chú rể cũng có thể mời bạn bè thân thiết đến để cùng chung vui vào ngày này.
So với miền Nam và miền Bắc, người miền Trung sẽ có số lượng người tham gia ít hơn, thường chỉ là bố mẹ và chú rể. Đồng thời, trang phục tham dự cũng không cần quá trang trọng, chỉ cần lịch sự và chỉn chu là đủ.
Đó là những điều kiêng kỵ trong lễ dạm ngõ mà bạn có thể tham khảo để buổi lễ diễn ra vui vẻ và trọn vẹn. Mặc dù lễ dạm ngõ chỉ là một buổi gặp mặt nho nhỏ giữa hai bên gia đình, nhưng nó liên quan đến chuyện hôn nhân – đại sự của đời người, nên chúng ta vẫn cần phải cẩn thận để cuộc sống của đôi uyên ương trẻ được viên mãn, yên vui