Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang là gì? Tương truyền, vùng chiêm trũng Lệ Thủy ngày xưa thường cầu mưa ’’lấy nước để uống, lấy ruộng để cày’’. Mùa hạn, dân làng cúng lễ và ’’hô huầy’’ đẩy thuyền xuống sông. Lâu dần tục lệ đã biến thành ngày hội chung của cả huyện. Các làng xã thi nhau việc chuẩn bị thuyền tốt, trai bơi tài, người lái giỏi.
Nếu chưa có thuyền dài gấp rưỡi nấc ngang, phải tìm gỗ tốt, mời thợ đóng mới sao cho thuyền thon nhẹ và lướt nhanh. Cùng với việc tuyển chọn tay chầm, tiến hành bơi thử, tìm bạn bơi thử nhằm kiểm tra sức dẻo dai với tốc độ cao trên con đường ba vòng sáu tao.
Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang – Lệ Thủy
Lễ hội đua thuyền được tổ chức vào ngày 2/9 hàng năm, tại sông Kiến Giang, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình.
Từ năm 1946 đến nay, Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang mừng Tết Độc lập bị gián đoạn 2 lần. Lần 1, 8 năm. Trai bơi phải gác mái chầm cầm súng lên đường đi theo cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Hoà bình lập lại, Kiến Giang lại dậy vang tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ trong ngày 2/9. Tiếng bom rền của máy bay Mỹ trên miền Bắc đã lần thứ 2 làm gián đoạn Lễ hội thiêng liêng này cũng 8 năm, từ năm 1965 cho đến năm 1973, khi hiệp định Paris có hiệu lực. Rồi từ đó đến nay, chưa năm nào dòng Kiến Giang lại không dậy sóng trong ngày Tết Độc lập, dù đã có năm, mãi đến ngày 30/8, dòng Kiến Giang vẫn trơ đáy.
Nhưng kỳ diệu thay chỉ sau 2 ngày mưa, nước Kiến Giang lại đầy và tiếng trống, tiếng mõ, tiếng reo hò vọng mãi suốt dọc sông… Hàng năm cứ vào ngày Quốc khánh 2-9, hội đua thuyền truyền thống lại diễn ra sôi nổi và hào hứng trên sông Kiến Giang với sự tham gia của nhiều xã trong huyện. Nhân dân xem đó là Tết độc lập vì sau “toóc nạp rơm khô” cả thời gian và đời sống đều no đủ. Từ đó hội đua thuyền đông vui náo nhiệt hơn kéo dài đến cả tháng mới đủ cho công việc tập dượt, tranh giải thôn xã và toàn huyện. Nhân dân náo nức chuẩn bị dụng cụ cho hội, ’’khuấy động’’ một vùng sông nước Kiến Giang. Khách thập phương đổ về huyện lỵ, trong Nam ra, ngoài Bắc vào, cả những xã miền núi “cơm đùm gạo bới’’ ngủ lại qua đêm chờ xem bơi ngày tới.
Đặc điểm của lễ hội nơi đây
Đường bơi trong các cuộc đua lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang thường trên dưới 20 km tùy theo giải xã hay huyện. Tuyến độc nhất thường chọn từ trước đến nay là thượng tiêu cầu Trạm (Mỹ Thủy) qua chợ Thùi – Phú Thọ (An Thủy) và hạ tiêu mũi Viết Thượng Phong (thị trấn Kiến Giang) cũng là điểm buông phao.
Hội đua thuyền trở thành nét đẹp văn hóa thể thao truyền thống từ ngàn xưa đáng trân trọng, giữ gìn và phát triển. Hi vọng thời gian tới lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang của lệ Thủy sẽ là một sản phẩm hấp dẫn của Du lịch Quảng Bình.