Trong hai ngày 28/2 và 1/3, tại sân vận động trung tâm thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra lễ hội chọi trâu truyền thống, thu hút hàng vạn nhân dân trong huyện cùng du khách thập phương tới xem và cổ vũ. Cùng tìm hiểu về lễ hội chọi trâu Hàm Yên qua bài viết dưới đây nhé!
Hội chọi trâu Hàm Yên
Tham gia vòng chung kết hội chọi trâu Hàm Yên năm nay có 16 trâu chọi trong tỉnh và huyện thi đấu theo thể thức loại trực tiếp. Trải qua những trận đấu sôi nổi, đẹp mắt và quyết liệt, dưới sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả trên sân, trâu chọi số 56 và số 18 đã lọt vào trận chung kết của giải năm nay.
Với những đòn đánh “hổ lao”, “cáng hầu” “ghì sừng”, “lắc sừng”… trâu chọi số 56 của ông Nguyễn Đình Khoa, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên đã đánh bại trâu chọi số 18 và giành chức vô địch mùa giải năm nay cùng số tiền thưởng 55 triệu đồng; giải nhì thuộc về trâu chọi số 18 của ông Đinh Văn Thành, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên; đồng giải ba là trâu chọi số 6 của ông Phạm Đức Phong đến từ xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên và trâu chọi số 4 của ông Ngô Văn Minh đến từ thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải cho cặp trâu có trận đánh hay nhất. Theo ý kiến của những khán giả trên sân, hình dáng, kích cỡ và thể chất của những trâu chọi năm nay vượt trội so với những trâu chọi tham gia lễ hội những năm trước
Nét độc đáo của hội chọi trâu Hàm Yên là dù thắng hay thua, sau khi kết thúc lễ hội, các chủ trâu đều sẽ mổ trâu để tế lễ trời đất, cầu cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu.
Lễ hội chọi trâu huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang được tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân, với mục đích khôi phục lại lễ hội dân gian, bảo tồn và phát triển giống trâu Ngố của địa phương, phục vụ sản xuất và thu hút khách du lịch.
Lễ hội chọi trâu Hàm Yên được tổ chức vào ngày 10 và 11 tháng Giêng Âm lịch tại huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Tương truyền, Lễ hội chọi trâu Hàm Yên đã có từ rất lâu đời, song trải qua nhiều biến cố nên đã có một thời gian dài gián đoạn và mới khôi phục lại hơn chục năm nay.
Khác với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chỉ tổ chức cho người dân địa phương, lễ hội hội chọi trâu ở Hàm Yên quy tụ hàng trăm chủ trâu từ rất nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tham gia. Song, tham gia đông nhất là chủ châu người địa phương gồm nhiều dân tộc Tày, Kinh, Mông, Dao… đến từ các huyện trong tỉnh Tuyên Quang. Chính vì vậy, Lễ hội thu hút rất đông người dân và du khách đến xem.
Ý nghĩa lễ hội chọi trâu
Trước mỗi mùa chọi trâu, người dân Hàm Yên lại cùng nhau lặn lội lên tận Hà Giang, Lai Châu… để tìm những cặp trâu khỏe đẹp mua về. Trâu mua về được cả cộng đồng bình xét giao cho một gia đình tiêu biểu nuôi dưỡng, gia đình này phải có đủ ông bà, cha mẹ, con cháu sống hoà thuận, hiếu thảo, trên kính dưới nhường, kinh tế khá giả, nghĩa là một gia đình rất văn hóa. Các gia đình khác có nghĩa vụ đóng góp thức ăn cho trâu (thường là bột ngô, bột sắn, cám gạo…).
Các trâu chọi khỏe mạnh, được chăm sóc và huấn luyện bài bản và được chia cặp đấu loại để tìm ra những đại diện xuất sắc đi vào vòng trong và tìm ra cặp trâu tốt nhất thi đấu chung kết.
Theo đúng phong tục của người dân bản địa, sau giải đấu, con trâu chiến thắng đã được hóa kiếp và mang về tế lễ tại Đền Bắc Mục. Còn người đến xem chọi trâu ai cũng muốn mua được một ít thịt trâu chọi đem về với mong muốn gia đình sẽ làm ăn may mắn trong năm mới.
Đối với mỗi người dân Hàm Yên, hội chọi trâu Hàm Yên không chỉ mang ý nghĩa tâm linh thể hiện ước muốn mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no ấm, gia đình khỏe mạnh, con cái thành đạt mà việc tổ chức lễ hội còn giúp thực hiện mục tiêu phát triển và nhân rộng đàn trâu của huyện. Qua đó từng bước xây dựng thương hiệu Trâu Hàm Yên, góp phần thức đẩy phát triển kinh tế của huyện Hàm Yên.